Tab Từ Khóa "Đèo"
Showing posts with label Đèo. Show all posts
(ANTĐ) - “Đường lên Tây Bắc quanh co” - câu hát trong bài ca “Đường lên Tây Bắc” của nhạc sỹ Văn An lại vang lên khi chúng tôi trên hành trình từ Tây Bắc về xuôi.

Cung đường này cuốn hút dân phượt bởi cảm giác đổ đèo và níu kéo của núi rừng. Đánh dấu hết đèo dốc cao thăm thẳm có lẽ chính là đỉnh đèo Thung Khe và điểm dừng chân đỉnh đèo Đá Trắng. Từ đây nhìn xuống thung lũng thấy cả thị trấn Mai Châu thu gọn vào ống kính với gió thổi lồng lộng.

Không biết đã bao nhiêu lần đi qua con đường này, nhưng lần nào cũng vậy, khi từ Sơn La xuôi về Hà Nội, đến đỉnh đèo Thung Khe, chúng tôi cũng dừng xe đứng ngắm cảnh vật nơi này.

Thị trấn du lịch Mai Châu được thu vào tầm mắt. Cảnh đẹp tự nhiên này đãi ngộ du khách mỗi khi dừng xe nơi đỉnh dốc. Cũng vài năm nay, nơi đây được xây dựng một trạm với cột cờ, vài chiếc ghế đá cho khách nghỉ chân ngắm cảnh.

Đêm trước vừa uống rượu cần, múa xòe cùng cô gái Thái xóm Lầu, xã Mai Hạ, huyện Mai Châu. Rượu Mai Hạ nhấp môi mà rượu chảy đến đâu nhận ra cái nóng đang đốt ruột gan đến đấy.

Cô gái Thái thấy chàng trai Hà Nội say rượu cứ ngâm nga câu thơ “Mai Châu mùa em thơm nếp xôi” mà cười nói “Sáng mai, lên đèo Thung Khe, gió thổi quên Mai Châu ngay mà”. Thế mà, giờ đã đứng ở đỉnh đèo, nhìn xuống thung lũng, ruộng nước, ruộng bậc thang, nhà sàn, rừng cây rồi cả con đường chạy xuyên qua huyện về hướng Pù Luông.

Cô gái Hà Thị Tình, bán quán nước trên đỉnh đèo Thung Khe thì cứ cười khi chúng tôi hỏi thăm. “Em họ Vi à?”, “Không, em họ Hà, em cũng ở Mai Châu, các anh không quen gió núi, đứng đó là lạnh đấy”.

Rồi một chiếc xe ô tô cũng dừng chân, vài người bước xuống chụp ảnh, bắt tay chào tạm biệt. Hóa ra, cán bộ miền xuôi lên công tác, rồi cán bộ miền ngược tiễn chân tới tận đỉnh đèo Thung Khe. Cái tình lưu luyến như tên em gái quán gió đèo cao vậy.

Nếu đèo Thung Khe cuốn hút vì tầm nhìn vọng cảnh thì đèo Đá Trắng lại níu chân vì dãy quán lá mới với làn khói bếp bảng lảng trong sương núi. Chỉ chạy xuôi thêm qua một mỏm núi, sườn núi đang bên tay phải thì giờ ở bên tay trái. Dãy quán lá bán hàng của người Mường chủ yếu bán ngô nếp luộc, cua đá, mấy cành phong lan.

Có người thì gọi dãy quán này là chợ đèo vì đủ thứ được bán như chợ nhưng chủ yếu là quán dừng chân cho khách uống bát nước ngô, nhâm nhi bắp ngô nếp luộc. Đèo Đá Trắng có tên gọi như vậy vì phía sườn núi phía đông toàn đá trắng đắp lên thành đèo. Phía dưới thung lũng gọi là “Bãi Dê” với lô xô những tảng đá đen lớn nhỏ rải rác giữa đồng cỏ bao la. Từ trên đỉnh đèo nhìn xuống giống như một đàn dê đang thong dong gặm cỏ.

Dừng chân nơi đây, dãy quán ngay sát dốc đá trắng, mùi ngô nếp luộc, cơm lam nóng hổi vô cùng thú vị. Cô gái Mường dòng họ Đinh Công cùng mẹ chồng ra quán bán hàng, vừa róc vỏ ống cơm lam vừa kể chuyện dòng họ nổi tiếng Đinh Công của dân tộc Mường. Thứ lạ nhất với chúng tôi chính là bó hạt rừng có tên “Mắc khén”. Rang muối, nướng ớt, rang mắc khén rồi tất cả giã lẫn với lá mùi tàu và tỏi sẽ được đĩa “Chéo” để chấm măng luộc, thịt nướng thơm ngon tê tê đầu môi. Mấy năm trở lại đây, người miền xuôi cũng đã biết tẩm mắc khén với thịt đem nướng. Món quà này luôn được du khách mang về xuôi làm quà.

Một chút dừng chân hưởng gió núi đèo Thung Khe, ăn ngô nếp đèo Đá Trắng, rồi lúc lên xe đã lủng lẳng cân thịt lợn lửng thui rơm cắt ngang, nhành phong lan rừng, chục ống cơm lam, vài bó mắc khén và “lồng” cua đá núi. Chỉ vậy thôi mà qua con đường này lần nào cũng phải dừng chân.

Theo Lê Hồng Quang (An Ninh Thủ Đô)
Khau Phạ, đèo Khế, đèo Ách là những cung đường du khách sẽ đi qua từ Hà Nội theo hướng quốc lộ 32 để tới Mù Cang Chải, Yên Bái.

Mỗi con đèo hiện lên như một bức tranh hùng vĩ của thiên nhiên với sức mạnh của bàn tay con người qua bao năm tháng.

Đèo Khế - ranh giới tự nhiên giữa Phú Thọ và Yên Bái

Có nhiều cung đường núi mang tên “đèo Khế” và con đèo nối hai tỉnh Phú Thọ và Yên Bái cũng được đặt theo cái tên này. Chạy xe qua Thu Cúc, quốc lộ 32 rẽ làm hai nhánh là 32 (qua đèo Lũng Lô) và 32B (qua đèo Khế).

Cung đường dẫn lên Yên Bái sẽ đi qua quốc lộ 32 với khung cảnh hùng vĩ của núi rừng hai huyện Văn Chấn và Tân Sơn. Bạn có thể chiêm ngưỡng những cánh đồng lúa mênh mông nằm bên rừng cọ bạt ngàn của Phú Thọ hay đồi chè hút tầm mắt.

Đèo Khế từng là “nỗi sợ” với dân lái xe, đặc biệt là những người đi đêm. Con đường này thường xuyên xảy ra sạt lở, gây ách tắc giao thông. Tuy nhiên, những năm qua, đèo Khế đã được tu sửa và trở thành tuyến đường chính cho những người đi du lịch Mù Cang Chải, thay vì chạy dài hơn từ thành phố Yên Bái, qua Văn Chấn và lên Nghĩa Lộ.

Đèo Ách, nơi khởi nguồn của dòng suối Ngòi Phà

Nằm hoàn toàn trong địa phận huyện Văn Chấn, đây là con đèo hùng vĩ của tỉnh Yên Bái, cùng với đèo Lũng Lô và Khau Phạ. Đèo Ách nổi tiếng với các con đường có độ dốc lớn và nhiều khúc cua tay áo. Cơn mưa bất chợt của vùng núi đem theo làn sương mỏng che lấp tầm nhìn của lái xe thường khiến du khách “chùn chân” khi đi qua cung đèo chỉ kéo dài vài km này.

Tuy chưa lên đến độ cao lý tưởng để ngắm khung cảnh hùng vĩ của Tây Bắc, con đường qua đèo Ách mang lại cho bạn không khí trong lành và vẻ đẹp mộc mạc của làng quê Văn Chấn. Sông Ngòi Lao chạy qua chân đèo Ách, đổ về các con suối và mang đến sự sống cho những cánh đồng cũng đang vào vụ mùa.

Đèo Khau Phạ - “Cổng trời” dẫn vào xứ sở Tây Bắc

Được mệnh danh là một trong tứ đại đỉnh đèo, cái tên Khau Phạ khiến người ta nhớ ngay tới con đèo hiểm trở, dài hơn 30 km, nằm giữa hai huyện Văn Chấn và Mù Cang Chải.

Đèo nổi tiếng với các cung đường quanh co, các khúc cua gấp, một bên là thung lũng, một bên là núi cao dựng đứng, đem lại cảm giác choáng ngợp cho du khách. Khau Phạ cũng là con đường huyết mạch nối Yên Bái với Lai Châu và Lào Cai.

Đến với đèo Khau Phạ, bạn như lạc vào thế giới của núi rừng và những thửa ruộng bậc thang hùng vĩ. Từ trên đèo, du khách có thể phóng tầm mắt xuống cánh đồng Lìm Mông và thung lũng Cao Phạ, nơi có những thửa ruộng bậc thang kéo lên tận cổng trời. Lên cao hơn là những đỉnh núi quanh năm vờn mây trắng và thác nước róc rách bên vách đá.

Hãy dành những phút giây nghỉ ngơi trên con đèo này sau một chặng đường dài căng thẳng và cùng ngắm nhìn vẻ đẹp của trời đất vào thu.

Con đường đèo từ Tú Lệ đến Nghĩa Lộ

Dù không được gọi tên cụ thể nhưng con đường từ Nghĩa Lộ tới Tú Lệ sẽ đem đến cho du khách những khúc cua liên tiếp đến thót tim. Trên quãng đường hơn 45 km không có những dốc đứng hay vách núi đá, nhưng có nhiều khúc cua khiến các tay lái phải dè chừng.

Theo Minh Đức (Vnexpress)
Đoạn đường từ Tuần Giáo lên Mường Lay - Lai Châu phải đi qua con đèo hiểm trở nhất mà ít người biết, đó là đèo Xá Tổng. Đèo Xá Tổng thuộc xã Xá Tổng, huyện Mường Chà, nằm trên QL6 (cũ) của tỉnh Điện Biên.

< Chụp từ một đoạn gần đỉnh đèo Xá Tổng.

Con đèo dài 25km và mặt đường thì xấu tới mức không thể tưởng tượng. Rất nhiều đoạn không cọc tiêu, không gương cầu, nhìn xuống chân chỉ thấy những đoạn đường ngoằn ngoèo vòng vo như rắn lượn lởm chởm đất đá. Chỉ cần một chút lơ đễnh khi lái xe là lao xuống vực liền.

< Đường đèo Xá Tổng nẩy giật tưng người.

Đường đi trong khung cảnh hoang vắng vì xung quanh đèo hiếm có nhà dân. Người ta nói, đoạn đường này đã bị bỏ hoang từ lâu, hầu như không có ô tô đi qua đây vì đường quá nguy hiểm.

Loại xe 'chuyên trị' đường đèo xấu như Win100, Minks... khi vượt dốc đa phần chỉ có thể lết được bằng số 1, máy gầm lên từng hồi một cách mỏi mệt cả xe và người điều khiển nó.

< Từ một đoạn đèo, nhìn xuống vực thấy vài rẫy lúa nhưng không thấy nhà.

Đèo không dành cho những người yếu bóng vía vì một bên là vực thẳm sâu hun hút, một bên là vách đá dựng đứng, người lái xe phải căng mắt và vững tay để đi qua những con dốc dài mà không bị trượt xe xuống vực. Con đường còn khiến người đi căng thẳng khi trời đã ngả chiều mà điểm đến vẫn mãi chưa thấy đâu.

Càng đi, đường càng trở nên hoang vắng. Hiếm hoi lắm ở ven đường mới có một bóng nhà nhỏ. Tài xế toát mồ hôi lạnh, kẻ đồng hành ngồi sau liên tục xoay xở đủ tư thế ngồi... còn chiếc xe chồm lên từng chặp, mệt đến bã người.

Đi hết con đèo này sẽ tới thị trấn Mường Lay nhưng ngày nay, người ta thường đi quốc lộ mới nếu rẽ trái về Tuần Giáo, qua Điện Biên rồi lên Mường Lay, xa hơn 60km. Dĩ nhiên là đường tốt.

< Hai nhóm phượt hiếm hoi gặp nhau trên đèo: dừng vì xế xịt bánh, tự xử thôi!

Đỉnh đèo có vẻ là nơi sinh động nhất trong suốt quãng đường dài 25km. 'Sinh động' là do có vài hàng quán lụp xụp... nhưng đó cũng là cứu cánh cho kẻ lãng tử. Những người đi xe máy khi tới đây thường dừng lại tạm nghỉ, uống cố nước và xem xét lại hệ thống phanh để chuẩn bị xuống dốc.

< Chiều tà...

Cánh du lịch bụi thi thoảng ghé thăm con đèo, hì hục vượt hết con dốc nọ đến con dốc kia, đường cua này đến ngã rẽ tới. Đa phần không một bóng người, khung cảnh hoang vắng đến lạnh sống lưng. Giao thông không phát triển, đường đi lại khó khăn, kéo theo những vất vả cuộc sống của người dân khiến nhiều hộ gia đình nơi này phải chuyển về những nơi ở mới gần với đường lớn hơn.

Mất hơn 2 tiếng đồng hồ để ta có thể vượt qua đoạn đường dài chỉ 25km, đấy là may mắn nếu không bị xịt lốp hay hỏng xe.

< ... rồi đêm xuống rất nhanh nhưng vẫn chưa đến Mường Lay, cố gắng lên!

Suốt đoạn đường, người lái chỉ nhìn dán mắt vào lòng đường mà chẳng dám ngó nhiều đến cảnh vật xung quanh dù nó tuyệt đẹp. Vì vậy không lạ khi hiếm thấy những tấm ảnh về đoạn đèo này: dễ hiểu vì người lái lo chăm chú lái, người ngồi sau liên tục giật nẩy người thì làm sao mà chụp choạc gì?

< Bảng báo khi vào đèo Xá Tổng.

Con đèo gần như hoang phế ấy chắc chắn sẽ còn là nỗi kinh hoàng cho nhiều người yếu bóng vía khi bất đắc dĩ phải đi qua nhưng ngược lại, có thể kích thích sự khám phá của kẻ phượt.

Ngày nay, đoạn đèo này đã được sửa chữa nhỏ (rải đá) tương đối dễ đi hơn. Hoàng hôn trên đèo rất đẹp nhưng cũng chứa đựng hiểm nguy bởi trời sẽ tối rất nhanh mà con đường còn dài, rất dài ở phía trước.



Du lịch, GO! - ảnh internet
(TTO) - Gió ràn rạt thổi. Nắng lấp loáng trong lòng thung lũng. Chúng tôi đứng đây, một góc Khau Cọ dữ dội và bí ẩn, lặng lẽ và ẩn mình, thêm một lần in vào ký ức những chuyến đi...

Không được dân đi mê mẩn như những cung đèo huyền thoại Mã Pì Lèng, Pha Đin, Ô Quý Hồ hay Khau Phạ; Khau Cọ lặng lẽ và ẩn mình trên dãy Hoàng Liên Sơn, phía rừng quốc gia Hoàng Liên - Văn Bàn (Lào Cai), nơi quốc lộ 279 nối vào Than Uyên (Lai Châu).

1. Nhắc đến quốc lộ 279, nhiều người trong chúng tôi hẳn vẫn thấy nghẹn lòng. Con đường huyết mạch chạy từ Đông Bắc sang Tây Bắc được xây dựng như một tuyến phòng thủ biên giới thứ hai sau sự kiện tháng 2-1979.

< Quốc lộ 279 như dải lụa đào.

Đã có rất nhiều bộ đội Trường Sơn hi sinh khi thi công con đường vượt qua đỉnh Hoàng Liên tại đèo Khau Cọ (Cửa Gió) cao 1.200m này. Ngày nay, ngoài nhiệm vụ chiến lược là phòng thủ đất nước, quốc lộ 279 đã và đang được đầu tư, cải tạo nâng cấp nhằm phục vụ và đáp ứng nhiệm vụ kinh tế, dân sinh.

Chúng tôi từng có kế hoạch đi từ điểm đầu quốc lộ 279 tại Hoàng Bồ - Quảng Ninh căng ngang trên vùng cao phía bắc đến điểm cuối của quốc lộ tại cửa khẩu Tây Trang (Điện Biên) nhưng vì nhiều lý do, kế hoạch đó đến nay vẫn chỉ là một ước mơ dang dở.

< Trập trùng sóng núi.

Trong nhiều lộ trình, dù chỉ chinh phục được một phần, một đoạn 279 cũng luôn tạo cho chúng tôi một cảm xúc phấn khích lạ lùng, có một nguyên do nào đó rất khó gọi thành tên luôn đập rộn ràng trên ngực trái, một thứ nguyên do tôi chưa bao giờ tìm được chính xác câu trả lời.

Lần đầu tiên vượt qua Khau Cọ là một chuyến xe đêm. Hôm đó, chúng tôi có một chuyến “đi chấm” tại địa bàn Vườn quốc gia Văn Bàn giáp ranh với Than Uyên thành công nhanh ngoài kế hoạch. Ngay trong đêm, cả nhóm quyết định vượt Khau Cọ về với ánh sáng thành phố sau một ngày chinh chiến và lần mò trong rừng rậm. Ký ức Khau Cọ trong tôi là bức màn đêm đặc quánh, im lìm và đầy sợ hãi.

< Bức tranh vùng cao.

Tôi không nhìn thấy những đỉnh núi, những cánh rừng, không thấy con suối róc rách bên dưới taluy âm. Trong tiếng gầm của động cơ ôtô, vẫn như nghe văng vẳng đâu đâu tiếng thú rừng gọi bầy, tiếng chim bay táo tác, tiếng phá đá mở đường, tiếng hát hò và chuyện trò của lính. Bạn tôi vội trấn an bằng giọng nói lạnh băng: “Em đừng tự kỷ ám thị”!

2. Trở lại Khau Cọ sau 5 năm. Giấc mơ về bức tranh Khau Cọ sắc nét ngày mai sẽ được thỏa nguyện, tôi tự nhủ trước khi chìm vào giấc ngủ muộn ở thị trấn Khánh Yên (Văn Bàn). So với 5 năm trước, thị trấn có nhiều nhà cao tầng mới, đường ngang lối dọc được mở lớn, sầm uất hơn và rộn ràng hơn. Nhưng con đường ra khỏi thị trấn dường như vẫn thế, mặt đá trơ ra sau sự bào mòn của mưa nắng và thời gian, đôi chỗ ổ gà ổ voi lổn nhổn đá. Dòng Nậm Chăn vẫn chậm chạp chảy trôi, dăm cánh đồng đang vào vụ.

< Suối Nậm Chăn và cánh đồng mùa “ngơi nghỉ”.

Tôi bất chợt nhận ra tất cả. Con đường 5 năm trước chúng tôi đã từng đi. Đây là điểm thác ghềnh của Nậm Chăn, nơi dừng chân đón hoàng hôn của chiều trên núi. Đây là trung tâm xã Minh Lương, nơi tôi đã mua thịt xiên, bắp cải, đặt xôi cho chuyến "đi chấm" năm nào. Quãng đường tràn ngập âm nhạc từ Minh Lương đến Nậm Xé, con đường vắng bóng người, những căn nhà đơn sơ nằm rải rác trên sườn đồi.

Đây là căn nhà của trạm kiểm lâm rừng quốc gia Văn Bàn ở Nậm Xé, căn nhà vẫn nằm đơn độc bên vệ đường như thuở nào, có khác là đã khoác lên mình tấm áo rêu phong cũ kỹ. Cửa đóng im ỉm, có lẽ các đồng chí kiểm lâm đã lên đường làm nhiệm vụ.

< Than Uyên: 17km.

Tôi thoáng như thấy tiếng gió đập cánh cửa sổ trong đêm đánh thức giấc mơ của tôi trong một đêm "đi chấm"... Bạn bè năm ấy, bây giờ ở đâu?
Tôi không tìm thấy, hoặc có thể tôi quên, hoặc là cảnh vật ít nhiều thay đổi, đâu là ngầm Nậm Xi Tan nơi chúng tôi bắt đầu bỏ đường lớn tiến vào rừng tìm chấm. Một, hai, ba bốn cái ngầm đã chạy qua, mà ngầm nào tôi cũng tưởng như ngầm của chúng tôi năm ấy. Và rồi, chiếc xe lên đèo lúc nào không hay.

Núi, rừng, cỏ cây và bầu trời dường như gần lại, tôi thấy mình như lọt thỏm giữa không gian trầm tĩnh và yên ả. Không thấy bản làng, không còn nhà cửa. Hãn hữu mới thấy dăm ba chiếc xe máy đi ngược chiều, hãn hữu mới thấy một chiếc xe khách Văn Bàn vội vã chạy qua.

< Dấu ấn Khau Cọ.

Trong tầm mắt chỉ còn những trảng rừng xanh rì rậm rạp một cách bí ẩn, con đường quanh co dốc ngược, đến mỗi khúc quanh tự dưng thấy thần kinh căng lên và tay lập tức ấn còi kêu bim bim.

3. Còn cách Than Uyên 17km. Chúng tôi dừng xe để nhìn ngược lại chặng đường đã qua. Sự im lặng của núi rừng như đông đặc. Một dải lụa trắng như thể ai đó đánh rơi trên bức tranh màu xanh. Một chiếc xe tải chở hàng với phần thùng rất dài và hẳn tải trọng rất lớn ì ì vượt qua. Do tải nặng cộng với đường đèo nhỏ hẹp, mặt đường còn xấu nên tôi đã phải mất đến gần nửa tiếng mới tìm được chỗ vượt xe sau một quãng dài cứ lầm lì theo đuôi, có lúc phải dừng hẳn lại cho cách xa đuôi xe tải để đảm bảo an toàn.

< Thung lũng Mường Than dưới chân đèo Khau Cọ, phía Than Uyên.

Tôi không nhìn thấy biển chỉ dẫn trên đèo Khau Cọ. Tôi cũng không biết chắc đâu là đỉnh đèo, chỉ thấy sau một khúc quanh, trước mặt đã là một thung lũng rộng lớn. Đỗ vội xe vào góc đường có khoảng đất nhô ra trống trải sát mép vực, chúng tôi thêm một lần nữa, xuống xe. Bên tay trái tôi, núi trải dài và thấp dần về góc xa, con đường cheo leo hiểm nguy nay đã lại thành như dải lụa. Phía dưới tầm mắt về bên phải là cánh đồng Mường Than đang nhòa đi trong nắng.

Trong câu “Nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc” nói về độ lớn của những cánh đồng Tây Bắc, “tam than” ở đây chính là cánh đồng Mường Than. Gió ràn rạt thổi. Nắng lấp loáng trong lòng thung lũng. Chúng tôi đứng đây, một góc Khau Cọ dữ dội và bí ẩn, lặng lẽ và ẩn mình, thêm một lần in vào ký ức những chuyến đi...

Theo Thủy Trần (Dulich.Tuoitre)
(DTO) - Con đèo danh bất hư truyền này sẽ khiến người chinh phục có những pha đổ đèo, cắt cua “tái mặt”. Một phút bất cẩn thôi là cả xe và người sẽ trở thành thước đo đường ngay tức khắc.

Chỉ đợi đến mùa lúa chín, dân mê phượt lập tức lên đường. Điểm đến của họ là những con đèo hiểm trở như Ô Quy Hồ.

Không còn lạ lẫm với những điểm đến nổi tiếng, những cung đường mạo hiểm… nhưng trong mắt nhóm phượt thủ mỗi lần đi là một lần khác và mọi thứ ở đây luôn hấp dẫn.
Dân phượt thường kháo nhau rằng, nếu chưa được đổ đèo Ô Quy Hồ thì chưa được xem là phượt thủ.

Đèo Ô Quy Hồ nằm ở độ cao trên 2000m, dài trên 40km với nhiều đoạn đổ đèo, cắt cua sẽ khiến nhiều tay lái tái mặt, chỉ cần một giây bất cẩn là cả người và xe sẽ rơi xuống vực sâu bên dưới. Đèo nằm vắt ngang như một dải lụa mềm mại qua dãy Hoàng Liên Sơn huyền thoại.

Và nếu ai đó may mắn đi vào những ngày nắng đẹp trời trong, bạn sẽ có cơ hội được ngắm những ngọn núi thuộc cụm “thất chỉ sơn” tuyệt đẹp, tất nhiên là cả đỉnh Fanxipan cao 3143m được mệnh danh là nóc nhà Đông Dương.

Nguy hiểm nhất là các đoạn "cua tay áo" men vực thẳm rất khó đi. Để đảm bảo an toàn, tốt nhất nên đi bằng xe máy hoặc ô tô vào ban ngày, không đi vào buổi tối khi tầm nhìn bị hạn chế và luôn giữ tốc độ vừa phải để xử lý được mọi tình huống bất trắc.

Thê nhưng trong giới phượt thường bảo nhau rằng, đã là dân “phượt”, hẳn không ai chưa từng mơ ước được một lần chinh phục Ô Quy Hồ.

Khi chinh phục đèo Ô Quý Hồ dân phượt ít khi bỏ qua Trạm Tôn – Trạm kiểm lâm của vườn quốc gia Hoàng Liên, nơi đây cũng là một trong những điểm xuất phát của tuyến đường để chinh phục đỉnh Fansipan và thăm thác Tình Yêu.

Ở đó, một bên là vách đá dựng đứng, một bên là vực sâu hun hút tạo nên cung đường vô cùng hiểm trở mà các phượt thủ đôi khi còn e ngại vào những ngày mây mù hoặc ban đêm bởi sẽ nguy hiểm cho những người đi không quen đường miền núi.

Trên hành trình đổ đèo Ô Quy Hồ, hiếm lắm mới gặp một chiếc xe chạy ngược chiều giữa muôn vàn những khúc quanh trông vắng. Mùa này gió ràn rạt thổi trên vách đá, và sương mù cứ dâng lên dày đặc từ dưới đáy vực.

Những lúc mỏi, dừng xe sát một góc cua, để rồi lắng nghe tiếng thì thầm của đại ngàn hay tiếng bước chân thú mơ hồ trên đỉnh Hoàng Liên. Ô Quy Hồ bí ẩn và đầy đe dọa. Có người nói, Ô Quy Hồ dễ dàng gây ra hội chứng “đau tim” cho các tay lái.


Một cung đường dài cheo leo trên vách đá, dưới những thảm rừng nhiệt đới rậm rì, uốn lượn quanh co, lên xuống liên tục theo độ chập chùng của dãy núi, con đèo danh bất hư truyền này sẽ khiến người chinh phục có những pha đổ đèo, cắt cua “tái mặt”. Một phút bất cẩn thôi là cả xe và người sẽ trở thành thước đo đường ngay tức khắc.

Vài năm về trước, vẫn con đèo trên quốc lộ 4D ấy dường như là một thách thức không nhỏ bởi sự hiểm trở và vô vàn hiểm nguy luôn rình rập cả “tay xế” cừ khôi nhất. Đường nhỏ, những khúc cua ngoằn nghèo không báo trước bên vực núi sâu thăm thẳm.

Ngày nay, con đường dẫn về trung tâm thị xã đã được khoác bộ cánh mới rộng rãi và mềm mại hơn. Đèo Ô Quý Hồ đã trở thành cung đường quan trọng, đây là cầu nối từ miền xuôi lên mảnh đất nơi ven trời Tây Bắc. Chính sự hiểm trở đầy thử thách này là một trong những nguyên nhân chính hấp dẫn dân phượt đến với Ô Quý Hồ.

Theo Hữu Thắng (Dân Trí)
(TTO) - Tôi đỗ xe trên đỉnh đèo Ngang, sau lưng là địa phận Quảng Bình, phía trước là Hà Tĩnh. Điện thoại cho bạn, bắt máy ngay. Mặt trời đứng bóng, chiều chưa kịp xế tà, bước tới đèo Ngang...

< Lên đỉnh đèo Ngang.

Xe chạy bon bon trên con đường đèo quanh co vắng bóng xe cộ. Núi xanh rì, cỏ cây rậm rạp. Nắng gay gắt trong không gian tĩnh lặng. Thoáng cái đã thấy leo lên đến đỉnh đèo, nhấn thêm chút ga là địa phận Quảng Bình đã ở phía sau lưng. Tiếng bạn vọng qua điện thoại, đi về phía Hà Tĩnh độ vài phút chạy xe sẽ thấy Hoành Sơn Quan nép mình trên núi.


Trên đỉnh Hoành Sơn


Hoành Sơn Quan nằm khá khuất nẻo cách đỉnh đèo không xa, một tấm biển hoen gỉ, những bậc đá cỏ dại len cao, ngổn ngang giấy phướn nhiều màu ai đó đã cúng tiến mà không hóa.

< Bước tới đèo Ngang...

Chuyện kể rằng Nguyễn Hoàng trước khi làm nên nghiệp lớn ở đất Thuận Hóa đã được Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm nhắn nhủ một câu nổi tiếng: “Hoành Sơn nhất đái, vạn dại dung thân” với ý nghĩa “Với một dải Hoành Sơn hiểm trở thì có thể yên thân đến muôn đời”.

Xứ Thuận Hóa xưa, nay thuộc địa phận Quảng Bình - Thừa Thiên-Huế có địa thế vô cùng đặc biệt với nhiều dãy núi liền kề liên tiếp chạy theo hướng tây bắc đông nam, phía bắc có dãy Hoành Sơn đâm ngang chạy ra sát biển, phía nam có dãy Bạch Mã. Với địa hình này, để ra Bắc vào Nam tất cả các phương tiện giao thông trước đây đều phải vượt qua đèo Ngang trên dãy Hoành Sơn và đèo Hải Vân phía dãy Bạch Mã.


< Phía Hà Tĩnh nhìn từ đèo Ngang.


Ngày nay đã có hầm đường bộ xuyên qua các dãy núi trên để đảm bảo an toàn giao thông đường bộ và tiết kiệm thời gian phải di chuyển qua những con đèo hiểm trở. Cả đèo Ngang và đèo Hải Vân vì thế lại trở thành điểm khám phá thú vị của dân đi. Những tưởng tượng về đèo Ngang với tôi, hôm nay đã thật sự bước ra từ trang sách. Chúng tôi dừng lại khi thấy một dãy bậc thang bằng đá không quá dễ để nhìn ra dẫn lên trên đỉnh núi.

Tấm biển gỉ sét với dòng chữ “Di tích lịch sử văn hóa Hoành Sơn Quan” có gì đó như u buồn và gợi nhớ về quá khứ, một quá khứ bi tráng, hào hùng và mãnh liệt về nơi từng là cửa ải biên cương, là điểm xung yếu chia cắt Đàng Trong - Đàng Ngoài.

Năm 1833, vua Minh Mạng đã cho xây dựng lên cửa Hoành Sơn trên đỉnh đèo Ngang cao hơn 4m, hai bên có hàng ngàn bậc thang được đào vào núi. Di tích Hoành Sơn Quan ngày nay tuy không còn nguyên vẹn nhưng vẫn mang trên mình vẻ phong trần khiến lãng khách không khỏi bâng khuâng và lắng mình vào dòng hồi tưởng. Cô độc và lặng lẽ. Hẳn là cũng vắng vẻ. Bây giờ người ta đi hầm nhiều, ít ai qua đèo Ngang để dừng lại ghé thăm chốn này.


< Hoành Sơn Quan.


Dễ đến cả trăm bậc đá xám rộng chừng 1,2m, dài 6m, tuy không đều nhau ở phía bắc cửa thành đưa chúng tôi lên đến Cổng Trời, những bậc đá mang trên mình sức nặng thời gian, cỏ dại len mình trong từng khe đất hẹp, vướng vào chân, mắc vào gấu quần, đâu đó hoa dại biêng biếc tím. Một cái cây tỏa bóng trước vòng cung cổng thành, không biết cây bao nhiêu tuổi, chỉ biết lớp vữa tróc mẻ kia không thể làm cổng thành bớt đi vẻ sừng sững và uy nghi.

Hoang sơ biển Hoành Sơn

Chúng tôi rời Cổng Trời trên đỉnh đèo Ngang, đã ở trên đất Hà Tĩnh. Dưới chân đèo có một bãi biển từng hút mắt chúng tôi khi chạy từ Bắc vào Nam. Biển Hoành Sơn.


< Biển Hoành Sơn hoang sơ và bình yên.


Loay hoay tìm đường vào làng chài thì ngay bên đường có hẳn một khu du lịch, thấy có nhà lầu, có cả xe hơi. Dịch vụ ở khu vực biển Hoành Sơn không có nhiều do bãi biển khá ngắn, nhưng xem ra rất ổn cho những ai ưa thích khám phá và trải nghiệm. Chúng tôi hạ đồ tự chuẩn bị bữa trưa do đã quá giờ ăn nên nhà hàng nghỉ, lều bên cạnh thấy có mấy vị khách người nước ngoài đang thảnh thơi thư giãn, chuyện trò.

Trời khá nắng, nhiều mây. Bãi biển không một bóng người. Cảm giác như đang ngồi trong lòng cánh cung của một vầng trăng khuyết được bao bọc bởi dãy Hoành Sơn hoang sơ và xanh rì cây cỏ.


< Cát ở biển Hoành Sơn vàng và mịn.


Cuối cánh cung phía bắc là một bãi đá nhảy lao ra biển, nhấp nhô tựa như một trận đồ. Cát vàng và mịn, sóng xô khá nhiều vỏ ốc vương rải rác trên triền cát thênh thang. Chiều xuống. Bắt đầu xuất hiện những vị khách đầu tiên, vốn là dân bản địa, lao ra biển nhảy sóng, bơi lội, chơi đùa. Số ít trong đó có chúng tôi là khách du lịch cũng hối hả thay đồ để được đắm mình vào làn nước biển trong vắt kia.

Biển khá dốc, chỉ ra cách mép nước 1-2m là chân đã không chạm đất, tuy nhiên sóng khá lặng, nhẹ nhàng, rất dễ cho mấy đứa trẻ tập nổi. Bãi cát là khu vực tuyệt vời để nằm tắm nắng, đón gió hay đào cát chơi trò xây thành, xây lũy. Vẻ hoang sơ và yên ả của Hoành Sơn khiến chúng tôi say mê và thấy thật may mắn vì mình đã ghé qua đây.

< Chiều chiều người dân quanh vùng lại ra biển bơi lội, tắm mát.

Tôi nhìn xuyên suốt về cuối bờ cát, thầm ước giá có một chiếc lều dựng lên cuối bờ biển kia để sớm mai đón bình minh rực rỡ, sau lưng là dải Hoành Sơn vững chãi với bao câu chuyện thăng trầm của lịch sử, hẳn mình có thể tin vào một ngày được “vạn đại dung thân”...


Dãy Hoành Sơn có độ dài khoảng 50km, chạy từ phía tây dãy Trường Sơn ra Biển Đông, trong lịch sử là biên giới tự nhiên giữa hai nước Đại Việt và Champa.
Đèo Ngang được nhiều người biết đến qua bài thơ nổi tiếng của Bà Huyện Thanh Quan “Bước tới đèo Ngang bóng xế tà/ Cỏ cây chen đá, lá chen hoa” ngày nay được tính từ chân núi thuộc xã Kỳ Nam, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh vắt qua dãy Hoành Sơn sang đến địa phận xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình.


Theo Thủy Trần (Tuổi Trẻ)
Thác Tiên Đèo Gió nằm trong khu vực rừng già nguyên sinh Đèo Gió với diện tích 3.947 ha, ở hai bên bờ có những thảm thực vật xen kẽ giữa dòng chảy tạo nên một bức tranh phong cảnh tuyệt đẹp.

Danh lam thắng cảnh Thác tiên Đèo Gió (hay còn gọi là Văng Táng Tinh, văng là vực, táng tinh là con vật giống con Kỳ Nhông dạng con rồng, nghĩa là vực rồng) nằm trong địa phận thôn Ngam Lâm, xã Nấm Dẩn, huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang với độ cao trên 1.315m so với mực nước biển. Ngọn thác được hình thành bởi dòng suối có tên gọi Tả Nán được bắt nguồn từ dãy núi đá vôi của xã Tả Củ Tỷ, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai, Suối Tả Nán có chiều dài khoảng 20 km, chảy qua địa phận các thôn Ngam Lâm, Nấm Chiến, Tân Sơn, Thống Nhất, Nấm Chanh của xã Nấm Dẩn, sau đó ra sông Chảy và nhập vào ngã ba của cầu treo thị trấn Cốc Pài huyện Xín Mần.

Đến địa phận thôn Ngam Lâm, dòng suối đổ xuống vách núi Đèo Gió tạo nên dòng thác lớn. Dòng thác trắng xóa, nhìn từ xa bồng bềnh mềm mại như mái tóc dài của người thiếu nữ, có lẽ vì vậy mà nhân dân trong vùng gọi là Thác Tiên. Nằm trong khu vực rừng nguyên sinh, lưu lượng nước của dòng thác khá ổn định, cung cấp và điều hòa nước tưới tiêu cho nhân dân quanh vùng và là nơi phòng hộ đầu nguồn quan trọng.

Dòng thác đổ từ trên cao xuống khoảng 12 m tạo thành một vực nước sâu từ 4m - 5m, rộng hơn 150 m2, gần giữa vực nước có tảng đá lớn nổi lên, tựa như một ốc đảo, du khách có thể nghỉ ngơi, ngắm cảnh, chụp ảnh trên ốc đảo này. Thác Tiên Đèo Gió nằm trong khu vực rừng già nguyên sinh Đèo Gió với diện tích 3.947 ha, ở hai bên bờ có những thảm thực vật xen kẽ giữa dòng chảy tạo nên một bức tranh phong cảnh tuyệt đẹp, hệ thực vật phong phú và đa dạng với các loại lâm sản như: Sến, Táu, Dổi, De Kháo, Song, Mây...

Nơi đây còn tồn tại một cây Sến khoảng 500 tuổi, đường kính trên 2m, rừng còn có nhiều loài động vật quý hiếm như: Hổ, Báo, Gấu, Hươu, Nai, Hoẵng, Sơn Dương, Sóc Bay, Lợn rừng, Cày hương, Gà rừng… các loài chim quý như Họa Mi, Quạ, Chào Mào, Cắt, Én đỏ, Én xanh, Én vàng... tạo nên một môi trường sinh thái đa dạng cho khu vực Thác Tiên Đèo Gió. Chính điều này đã góp phần tạo cho Thác Tiên Đèo Gió một cảnh quan nguyên sơ và đẹp thơ mộng.

Thác Tiên Đèo Gió là một bức tranh “Sơn-Thủy hữu tình”, lại được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho khí hậu mát mẻ, trong lành quanh năm. Cách đó không xa là bản làng của người Nùng vẫn còn giữ nguyên vẹn những nét văn hóa truyền thống, những phong tục tập quán của dân tộc, với điệu hát lướn nồng nàn lôi cuốn lòng người, những câu truyện huyền thoại dân gian lâu đời gắn liền với tên đất, tên làng và đặc biệt, còn có cả huyền thoại gắn với Thác Tiên, Đèo Gió.

Đó là câu chuyện kể về tình yêu giữa người con gái tóc dài ở bản người Nùng với người con trai Thần rừng, nhưng do lời nguyền của thần nước, đã hóa thân vào dòng nước, mái tóc của cô tạo thành dòng thác trắng xóa, mềm mại, đó chính là Thác Tiên Đèo Gió ngày nay.

Nhìn từ xa, thác Tiên như mái tóc dài mềm mại của cô gái tuổi trăng tròn buông lững lờ theo làn gió, phấp phới, tỏa hơi sương mát lạnh. Với giá trị nhiều mặt về địa chất, địa mạo, địa lý, đa dạng sinh học và hệ sinh thái đặc thù, ngày 16/11/2009 Thác Tiên Đèo Gió được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là danh lam thắng cảnh cấp quốc gia.

Theo Âu Diện (Xín Mần - Hà Giang)
Cách trung tâm TP. Kon Tum 130 km, đèo Măng Rơi (xã Đắk Trâm, huyện Đắc Tô) là vùng đất cuối trời, giáp ranh với huyện Nam Trà My (Quảng Nam). Nơi đây còn được mệnh danh là “vương quốc” của loài cây sâm đắng và những bản làng của người Xê Đăng sở tại chập chùng trên những ngọn đồi.

< Trên đỉnh đèo Măng Rơi.

Chợ sâm trên đỉnh đèo

Lên đến đỉnh đèo cao 1310 mét, chiếc xe máy của chúng tôi phả ra toàn là khói đen và phải…dắt bộ. Theo đồng bào bản địa thì Măng Rơi có nghĩa là cổng trời. Chiều cao của nó không thua gì Cổng Trời (ở huyện Quản Bạ, Hà Giang). Tự dưng một cơn mưa rừng kéo đến khiến trời mù sương và giá lạnh. Thế nhưng ngay trên đỉnh đèo lại có phiên họp chợ bán sâm đắng.

< Chợ di động trên vùng cao, người dân trồng được gì bán cái nấy.

Họ là người dân của xã Đắk Trâm dưới đỉnh đèo, ngày ngày vào rừng để chặt măng rừng, sâm đắng đem ra bờ suối rửa, bán cho khách qua đường. Khác với người Kinh dưới xuôi khi bán theo kí lô, người Xê Đăng ở đây bán sâm đắng theo từng mớ, từ vài nghìn đến vài chục nghìn mà không hề có bàn cân. Khách mua là người đi xe máy hay xe hơi qua đèo, tranh thủ dừng xe lại mua về nhà chế biến.


< Chị I Nhút và con trai.


Trong hơi lạnh căm căm, các em nhỏ chỉ mong manh một cái dù cũ kỹ và tấm bạt ni lông để quấn quanh thân. Hít hà trong mờ sương nơi vùng cao, em A Vui (8 tuổi, học sinh lớp hai, trường tiểu học Đắk Trăm) nói: “Tranh thủ ngày hè được nghỉ học, cả nhà em cùng vào rừng, lên rẫy để kiếm sản vật của rừng leo lên đỉnh ngồi bán thì mới đông người mua”. Nhà em ở dưới đỉnh đèo, ẩn hiện giữa rừng già xa xa. Khi khách hỏi mua củ sâm đắng, em vào rừng để tìm, cứ vài củ là được vài chục nghìn đồng.

Chị I Nhút (40 tuổi) là một người bán sâm rừng cho biết, đàn ông Xê Đăng có họ là A còn phụ nữ có họ là I. Mỗi ngày chị ngồi bán trên đỉnh đèo cũng kiếm được một – hai trăm nghìn đồng, đủ tiền xuống đèo mua gạo, muối và nhu yếu phẩm về cho gia đình.

Ông Nguyễn Văn Nam, một người dân tại địa phương cho biết, hiện người dân ở đây đã trồng được loài sâm này và tăng thêm thu nhập cho người dân bản địa. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia về sâm thì loài sâm rừng mọc tự nhiên vẫn có giá trị tốt hơn so với sâm nhà. Củ sâm rừng bám đầy bụi đất, loang lổ “vết thương” do mọc dưới cây cối um tùm và tác dụng hơn là loài sâm trồng trong nhà trắng phau. Ông Nam so sánh rất hình ảnh là sâm đắng trong rừng giống gã bụi đời còn sâm nhà thì như anh chàng công tử.

Đứng trên đỉnh đèo thì mây lãng đãng bay ngay dưới chân, phóng tầm mắt nhìn sang phía tây sẽ bao quát được toàn bộ vùng đất Đăk Tơ Kan và Đăk Rơ Ông, với những làng người Xê Đăng định cư và cánh đồng nối nhau san sát cho đến tận chân dốc Văn Loan. Nhìn về hướng bắc, từ Măng Rơi vào tới dãy Ngọc Linh hùng vĩ sẽ thấy cảnh tượng chẳng khác gì những bức tranh thủy mặc của hội họa bởi điệp trùng mây và núi ấp ôm nhau kéo dài cả hàng chục cây số.

Guiness về sinh con

Trước khi lên đỉnh đèo, chúng tôi chú ý đến hình ảnh một người mẹ lam lũ đang mạ lúa bên cạnh đàn con nhỏ lít nhít. Dưới vành nón lá và bộ quần áo lao động tơi tả, người mẹ cho biết tên là I Diệu (SN 1969, người Xê Đăng). Chị là người bản địa dưới đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ.

Mới có 45 tuổi nhưng có vẻ chị Diệu già đi trước tuổi khi đang giữ kỉ lục về số con tại xã Đắk Trăm (huyện Đắk Tô, Kon Tum). Con lớn của chị là A Vui (26 tuổi) đã lập gia đình cùng ba đứa con đầu.


< Nhà rông của người Xê Đăng.


Đứa nhỏ nhất là A Nhi (5 tuổi) thì mới học mẫu giáo, đang đứng trên bờ ruộng chơi với đám trẻ em trong làng. Mấy chị của A Nhi thì cùng mẹ xuống ruộng cấy cầy để phụ giúp gia đình. Các cháu chỉ mới 7 – 10 tuổi, học sinh của trường tiểu học trong xã, thân hình thì lấm lem bùn đất. Mấy đứa khác lớn hơn thì đang chơi trò chơi kéo xe gần đó.

Chị Diệu có cả thảy mười đứa con (năm trai, năm gái), đa phần là nghỉ học sớm để ở nhà phụ cha mẹ và ra đồng. Nhiều đứa trẻ con chị ra đời dày đặc khi mỗi năm một đứa. Với thế hệ đàn bà nhiều tuổi như chị thì kiểu đặt vòng tránh thai như ở dưới xuôi là xa xỉ vì người đồng bào quan niệm “trời sinh voi thì ắt sinh cỏ”.


< Em A Vui hái sâm rừng để bán.


Nhà chị Diệu ở gần đó, thấp thoáng cùng bản làng người Xê Đăng như những sợi chỉ mờ đeo ở lưng chừng núi. Chồng chị là anh A Mừng thì không trồng lúa như vợ con mà lên rẫy làm thuê cho người khác để kiếm tiền phụ chị nuôi con. Chị Diệu nói phụ nữ ở đây lấy chồng từ rất sớm, có cô mới 16 tuổi đã đòi cưới “người trong mộng”. Tục mẫu hệ tuy không còn nhưng người đàn bà trong gia đình thì có vai trò rất quan trọng trong việc hình thành lao động chính.

Một cán bộ xã Đắk Trăm cho biết, xã này hình thành từ năm 2005, có diện tích 5.277 ha tự nhiên với hơn 3.000 nhân khẩu. Chị Diệu có số con vào loại nhiều nhất xã này. Mấy năm gần đây, do hội phụ nữ xã và các cấp chính quyền vận động nên họ đã giảm bớt tình trạng lấy chồng dưới tuổi quy định và đẻ con dày theo kiểu mỗi năm mỗi đứa.

- Đèo Măng Rơi nằm án ngữ trên độc đạo dẫn vào Tu Mơ Rông trong dãy Ngok Linh, miền núi rừng heo hút cách thị trấn Kon Tum về hướng Bắc trên 150km đường rừng.

Có nhiều cách giải thích về tên gọi con đèo này, song nhiều cán bộ cách mạng lão thành từng hoạt động ở căn cứ Ngok Linh trong những năm kháng chiến thì cho rằng, do đường qua đèo dựng đứng như mái nhà rông, đồng bào Xêđăng trèo đèo đi hái măng rừng, cái gùi trên lưng cứ dốc ngược làm măng rơi vãi ra ngoài và tên gọi Măng Rơi có từ đó. Dù sao, đèo Măng Rơi cheo leo, hiểm trở đã làm cho Tu Mơ Rông tách biệt như một ốc đảo…

Theo An Hòa (Công an TP.HCM)