(BCT) - Đà Lạt nhiệt độ giảm từng ngày, tối muộn có sương giăng. Đó là lúc người ta rủ nhau đến với thành phố mộng mơ để "hưởng" không khí mùa đông. Dự báo, Đà Lạt sẽ chật kín người dịp cuối năm vì trùng với mùa Festival hoa định kỳ. Trốn cái đông đúc của Đà Lạt những ngày ấy là một trải nghiệm thú vị và không quá khó!
Đà Lạt lập đông là mùa du lịch "sốt xình xịt" của cao nguyên Lang Biang. Từ độ trước Noel đến hết những ngày nghỉ của Tết Tây, kéo dài khoảng nửa tháng, thành phố này tràn ngập khách du lịch trong nước và quốc tế. Khi người Đà Lạt đang trang hoàng nhà cửa, đường phố, du khách cũng rộn ràng chuẩn bị cho kỳ nghỉ dưỡng cuối năm cùng lễ hội hoa duy nhất của Việt Nam.
Những biểu tượng khổng lồ của Đà Lạt như đóa dã quỳ, bông articheau, chai rượu vang… đang được dựng lên bên bờ hồ Xuân Hương. Muôn ngàn sắc hoa trải dài hai bên đường, dọc theo bờ hồ. Đường phố của những con dốc cao mờ sương cũng được trang hoàng lộng lẫy. Đại tiệc đầy màu sắc cùng với âm thanh, ánh sáng đã sẵn sàng, hứa hẹn là mùa lễ hội đặc sắc, vui nhộn. Trên các trang mạng, diễn đàn và facebook…, người ta thể hiện sự háo hức chờ đợi. Bấy nhiêu đó đủ thấy sức hút của lễ hội hoa và sự chào đón của du khách đối với lễ hội độc đáo này.
Tuy nhiên, với nhiều người, Đà Lạt quá đông đúc sẽ mất đi sự thi vị, không gian lãng mạn. Làm thế nào giữ cho mình được khoảng trời riêng giữa rừng người? Gợi ý tốt nhất vẫn là tránh xa các khu du lịch có thu vé, hình thành những cung đường riêng khám phá thành phố ngàn hoa suốt cả ngày mà không bị người khác làm phiền.
# Tuyến Vạn Thành - Tà Nung là một cung đường đẹp, trải dài 30-40km. Trên cung đường này, du khách có thể trải nghiệm làng nghề truyền thống trồng hoa Vạn Thành. Làng hoa này chào đón du khách cả ngày và đêm. Nông dân Vạn Thành đêm đêm chong đèn sáng rực các nhà kính, tưởng như đây là một thành phố không ngủ.
Tiếp nối làng hoa là con đường đèo uốn lượn giữa bạt ngàn rừng thông dẫn đến làng Tà Nung- một ngôi làng thuần khiết của người dân bản địa. Gần đó là những mái nhà nuôi tằm ươm tơ dệt lụa truyền thống. Điểm cuối là ngọn thác Liêng Rơwoa hùng vĩ vốn không dành cho người lớn tuổi vì đòi hỏi phải leo trèo để chinh phục. Đây không chỉ là nơi khám phá của các bạn trẻ mà còn là chốn hẹn hò của những đôi trai gái vì "huyền thoại" ngọn thác này như một câu chuyện tình đẫm lệ của Romeo và Juliet bên trời Tây.
# Tuyến Mimosa - Đại Ninh là một trải nghiệm vượt đèo, lội thác đi ngang qua những đồi hoa dã quỳ. Mùa này, mật độ di chuyển đèo Prenn rất đông nên du khách nên chọn đèo Mimosa để di chuyển xuống Đức Trọng. Gần chân đèo là làng gà với tượng gà chín cựa khổng lồ, nặng khoảng tám tấn kể về đôi trai gái quyết lấy được nhau và sự hòa hợp giữa hai dân tộc.
Theo con đường đầy dã quỳ vàng dọc tuyến quốc lộ 20, du khách đến Đức Trọng khám phá hai ngọn thác hùng vĩ của Tây Nguyên là Bongour và thác Ngà Voi. Hai ngọn thác này đếu nằm cách quốc lộ 20 khoảng 10km, ô tô chạy tới nơi. Dù vậy, hai ngọn thác này ít được nhà tour khai thác. Vì thế, du khách có thêm một lựa chọn để "trốn đông" thay vì phải chen chân ở các con thác Cam Ly, Prenn, Đatanla… Mùa này khu vực hồ Đại Ninh còn rất nhiều dã quỳ và cỏ hồng- hai "đặc sản" Đà Lạt đang được các bạn trẻ săn đón.
# Tuyến Trại Mát - Cầu Đất là cung đường khám phá một góc độc đáo của cao nguyên Lang Biang. Đó không chỉ là con đường sắt răng cưa (thế giới chỉ có hai tuyến là Việt Nam và Thụy Sĩ) đi ngang qua mà còn là con đường đi đến chiếc nôi của ngành trà Việt Nam. Tuyến này đường nhỏ và quanh co nên phải di chuyển tốc độ chậm. Những nhà ga của trăm năm trước vẫn hiện diện suốt tuyến đường này, như Trại Mát, Đa Thọ, Cầu Đất…
Đó là những công trình thuộc địa với lối kiến trúc vững chãi. Đồi trà Cầu Đất là dấu ấn của ngành trà, nơi những cây trà đầu tiên được trồng tại Việt Nam hơn một thế kỷ trước. Những thiết bị, máy móc dùng chế biến trà trong nhà xưởng sở trà Cầu Đất được giữ nguyên vẹn và chuẩn bị đưa vào khai thác du lịch. Từ nhà máy, đi thêm khoảng 5km băng qua các đồi trà là đến với rừng trà cổ thụ, tuổi thọ lên đến trăm năm.
Sau khi tìm những không gian riêng cho mình suốt cả ngày, đêm xuống đừng quên dừng lại các sân khấu ở khu Hòa Bình, hồ Xuân Hương để hòa mình vào không khí lễ hội của âm thanh và ánh sáng. Người Đà Lạt vốn rất mê ca hát. Du khách có thể tìm cho mình những sân khấu theo sở thích. DJ, Rock và Hip Hop thường nằm ở những khu trung tâm năng động.
Người yêu Tình ca Đà Lạt của "giấc mơ một loài hoa" của "thành phố nào vừa đi đã mỏi", của "từng đôi đi trên phố vắng"…, thì tìm đến sân khấu ga Đà Lạt hoặc đến các phòng trà trên đồi cao, ẩn mình dưới thung lũng. Ở đó có những tình khúc lãng mạn rất "chất" Đà Lạt, có những bạn tâm giao và những nàng thơ. Riêng công viên hồ Xuân Hương là không gian rượu vang và nhạc rock của những tài tử miền hoa.
Theo Thành Nguyễn (Báo Cần Thơ)