Tab Từ Khóa "Du lịch Sơn La"
Showing posts with label Du lịch Sơn La. Show all posts

Vùng đất cao nhất của huyện Mường La có khí hậu mát mẻ như Đà Lạt và nổi tiếng với nguồn nước khoáng nóng.

Mường La - Ngọc Chiến là một cung đường đẹp cho những ai ưa khám phá sự tĩnh lặng và hoang sơ Tây Bắc.

Nằm cách TP Sơn La khoảng 80 km về phía đông bắc và công trình thủy điện Sơn La khoảng 40 km, xã Ngọc Chiến nằm ở độ cao trung bình trên 1.800 m so với mực nước biển. Đây được coi là vùng đất cao nhất của huyện Mường La.

Điều đặc biệt trên cung đường này là những đoạn đường đất nhỏ men theo các bản làng Thái đen và Mông, thung lũng ruộng bậc thang trải dài.

Khí hậu quanh năm mát mẻ, đây là nơi sinh sống định cư lâu đời của 3 dân tộc Thái, Mông và La Ha với văn hóa phong phú đa dạng, giàu lòng mến khách.

Từ TP Sơn La, bạn đi theo tỉnh lộ 106 khoảng 40 km về phía đông bắc đến thị trấn Ít Ong. Vượt qua con đèo Sam Síp ở độ cao hơn 2.000 m, dài khoảng 40 km quanh co luồn trong mây ngàn, bạn sẽ thấy một bên là bạt ngàn rừng cây, đồi núi trập trùng, một bên là vực sâu. Đi tiếp qua cây cầu bắc qua suối, du khách sẽ tới xã Ngọc Chiến.

Đến đây, du khách sẽ được gia chủ đón tiếp như khách quý, cùng làm các công việc hàng ngày và thưởng thức đặc sản địa phương như: rượu cần, rượu táo mèo, xôi nếp tan, xôi sắn, cơm lam, thắng cố, thịt nướng, cá nướng, rau cải mèo...

Nhằm khai thác tiềm năng du lịch thiên nhiên, văn hóa phong phú của Ngọc Chiến, tỉnh Sơn La đã phối hợp với người dân xây dựng nơi đây thành điểm du lịch cộng đồng kết hợp nghỉ dưỡng phục vụ khách du lịch. Tại bản Lướt, hiện đã có bể tắm khoáng nóng; bản Đớt có nhiều phòng tắm khoáng nóng cá nhân dựng bằng gỗ pơ mu.

Ngoài ra, khách có thể tắm miễn phí tại mó nước ở bản Khau Vai, suối Chiến ở bản Mường Chiến, tìm hiểu các nghề truyền thống của người Thái, Mông, La Ha…

Trên cánh đồng Ngọc Chiến vào những ngày mùa, lúa vàng rực. Bên cánh đồng là những bản làng của người Thái sống đan xen với các dân tộc khác.

Người Ngọc Chiến cũng giỏi dựng nhà sàn mái lợp bằng gỗ pơ mu thơm phức. Theo người dân, buổi tối khi ngủ không phải mắc màn bởi mùi gỗ pơ mu tỏa ra thứ hương thơm dịu không chỉ xua đuổi muỗi, mà còn mang lại sức khỏe cho chủ nhà.

Những nhà sàn mái lợp gỗ pơ mu gần như còn nguyên sơ nếp nhà sàn Tây Bắc, tuy đã ngả màu rêu phong nhưng mái nhà không bị mối mọt.

Một căn nhà sàn dân tộc người Thái đen.


Theo Lê Bích - Dulich.vnexpress.net

Với du khách, Tây Bắc không chỉ quyến rũ bởi sắc màu của các dân tộc, mà còn hấp dẫn bởi vẻ đẹp của thiên nhiên hoang sơ, nơi có núi non trùng điệp. Chính những vẻ đẹp mộc mạc từ thiên nhiên hoang sơ ấy đã níu chân du khách mỗi lần đến đây. Mỗi mảnh đất là một nền văn hóa mang bản sắc riêng. Lần này, tôi muốn đưa du khách về với Mường La - nơi có công trình thủy điện kỳ vĩ, cò lòng hồ mênh mang nước, có bản làng đậm đà bản sắc văn hóa của các dân tộc anh em...

Tiềm năng du lịch Mường La

Những năm gần đây, Mường La thu hút du khách đến với công trình thủy điện Sơn La lớn nhất Đông Nam Á đang hiện hữu. Với công suất 2.400MW, diện tích hồ chứa 224 km2 dung tích 9,26 tỉ m3 nước, sản lượng điện bình quân hàng năm trên 10 tỉ kwh... Tầm vóc ấy, thủy điện Sơn La là niềm tự hào của Mường La và của mỗi người dân Việt Nam. Ngoài thủy điện Sơn La, Mường La còn là nơi hội tụ của hơn 20 công trình thủy điện lớn nhỏ trên các dòng suối Chiến, Nậm Mu… Nhờ có công nghiệp thủy điện phát triển, những con đường lớn được mở, cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng, dịch vụ phát triển. Từ năm 2005 đến nay, hàng năm có khoảng trên 10 vạn khách tham quan công trình thuỷ điện Sơn La và các điểm du lịch trên tuyến sinh thái cộng đồng thành phố Sơn La - thị trấn Ít Ong - Ngọc Chiến.

Cùng với tiềm năng du lịch thủy điện, du thuyền trên lòng hồ sông Đà, Mường La còn là nơi chứa đựng nhiều bí ẩn từ các di tích lịch sử Đồn Pom Páp (thị trấn Ít Ong), Đồn Mường Chiến (Ngọc Chiến), di tích khảo cổ học hang Co Noong (thị trấn Ít Ong), hang Hua Bó (Mường Bú); lũng Đán Lanh, xã Mường Chùm là nơi thành lập Chi bộ Đảng,  đầu tiên của huyện Mường La. Các khu du lịch sinh thái như: Vườn cây cao su tổ Phiêng Tìn, suối nước nóng bản Ít (thị trấn Ít Ong), bản Lướt (Ngọc Chiến); du lịch văn hóa cộng đồng dân tộc Thái có các lễ hội văn hoá truyền thống như:  Lễ hạn Khuống, lễ hội Khắp Then, lễ hội Mừng cơm mới... Đây chính là cơ sở, điều kiện thuận lợi để phát triển ngành dịch vụ- du lịch.

Trong kế hoạch phát triển du lịch giai đoạn 2010-2015, huyện đã xây dựng 4 tuyến du lịch: Tham quan thắng cảnh thuỷ điện Nậm La; thủy điện Sơn La; thắng cảnh nhà sàn, suối nước nóng Hua Ít (thị trấn Ít Ong) và tham quan đèo núi Khau Sam Xíp, nhà sàn và suối nước nóng bản Lướt (Ngọc Chiến). Cách thành phố Sơn La chừng 15 km, là điểm dừng chân để du khách đến với cảnh quan thủy điện Nậm La, cùng khám phá kỳ thú của quần thể hang Thẳm Bó và đắm mình vào các lễ hội lễ hội Hạn Khuống, lễ hội mừng nhà mới của dân tộc Thái dọc suối Bú. Tiếp tục hành trình, theo tỉnh lộ 106, du khách có thể tận mắt ngắm nhìn công trình thủy điện Sơn La kỳ vĩ, nơi hòn ngọc miền Tây của Tổ quốc đang bừng sáng. Từ đây bạn có thể ngược dòng sông Đà, du thuyền ngắm cảnh lòng hồ thủy điện Sơn La qua các bản làng TĐC của các xã Hua Trai, Mường Trai, Chiềng Lao và Nậm Giôn, cùng trải nghiệm cuộc sống trên quê mới với người dân.

Về với Mường La, du khách còn có thể tận hưởng khí hậu mát mẻ của vùng cao Tây Bắc, cùng hòa mình trong dòng suối nóng của bản Lướt (Ngọc Chiến). Tối đến, trong những nếp nhà sàn truyền thống bằng gỗ pơ mu hàng trăm năm tuổi, du khách có thể thưởng thức những món đặc sản hấp dẫn như măng lay, cá nướng, xôi nếp tan thơm dẻo trên cánh đồng Mường Chiến, cùng nhau theo vòng quay của điệu xòe, ngây ngất trong men rượu sơn tra thơm ngọt và thả hồn theo giọng hát ngọt ngào của những cô gái Thái. Du khách cũng có thể cùng sống, sinh hoạt trong các gia đình để tìm hiểu những phong tục tập quán của người dân nơi đây và để được một lần là “người dân tộc Thái” thực thụ.

Đánh thức tiềm năng du lịch

Để du lịch Mường La phát triển xứng tầm với tiềm năng vốn có, Mường La đang đẩy mạnh quy hoạch, đầu tư xâu dựng cơ sở vật chất phục vụ du lịch. Trong đó, việc khai thác tiềm năng du lịch được huyện xác định rõ, phát triển du lịch phải gắn với quy hoạch phát triển kinh tế của tỉnh. Mường La nằm trong tam giác kinh tế trọng điểm Sơn La- Mường La- Mai Sơn. Việc đầu tư xây dựng các khu du lịch, bảo vệ tôn tạo các di tích lịch sử, văn hoá và phát triển các lễ hội truyền thống, đầu tư phát triển hệ thống nhà nghỉ, khách sạn và các công trình dịch vụ du lịch. Khai thác triệt để tiềm năng, thế mạnh về khí hậu, cảnh quan, văn hóa dân tộc để phát triển nhanh du lịch, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Song, muốn phát triển du lịch bền vững phải gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống. Thực hiện tốt việc kêu gọi đầu tư, Tăng cường thu hút vốn đầu tư, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế trong tỉnh và cả nước, các chủ thể địa lý hành chính, các chủ thể quyền sử dụng đất, tài nguyên du lịch được trực tiếp hoặc cùng phối hợp khai thác, đầu tư, kinh doanh du lịch không giới hạn ở các ngành, nghề chuyên môn. Khuyến khích các thành phần kinh tế, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư phát triển, kinh doanh du lịch. Bên cạnh đó, việc đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch cũng là nhiệm vụ quan trọng...

Với tiềm năng, lợi thế sẵn có của vùng, việc đầu tư, phát triển mạnh du lịch theo quy hoạch tổng thế, phát huy truyền thống, giữ gìn nét văn hóa bản sắc các dân tộc sẽ giúp Mường La tiến nhanh trên con đường phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo.


Theo Vnexpress

Chính những vẻ đẹp mộc mạc từ thiên nhiên hoang sơ ấy đã níu chân du khách mỗi lần đến đây. ... Ngoài thủy điện Sơn La, Mường La còn là nơi hội tụ của hơn 20 ... điện Nậm La, cùng khám phá kỳ thú của quần thể hang Thẳm Bó và ... Trong đó, việc khai thác tiềm năng du lịch được huyện xác định rõ, ...

(NLĐ) - Khi những miếng thịt trâu một nắng thơm lừng vàng rộm, mỡ chảy nghe lèo xèo là chín, và thưởng thức nó khi còn nóng hổi, trong không khí ấm cúng gia đình, bạn hữu bên chum rượu cần thì chẳng gì có thể thú vị hơn.

Đến với Phù Yên, một huyện lỵ nằm ở phía Đông của tỉnh Sơn La, giáp với địa bàn của huyện Thanh Sơn, Phú Thọ, du khách không chỉ bị hút hồn bởi cảnh sắc núi rừng điệp trùng, những nét sinh hoạt văn hóa đặc sắc, lạ lẫm của bà con các dân tộc nơi đây, mà có một món ăn ngon nức tiếng, khiến khách từng qua đây không thể không thưởng thức, đó là món thịt trâu một nắng nướng than hoa, ăn một lần còn thèm mãi.

Tại Phù Yên, cũng như nhiều huyện thị khác của tỉnh Sơn La, món thịt trâu, thịt bò gác bếp vốn được coi là “đặc sản” và luôn được bà con các dân tộc bỏ ra làm món thết đãi khách quý, nhất là khách thân thuộc ở xa tới.


Cũng phải công nhân một điều là, món thịt trâu, thịt bò khô gác bếp ăn là lạ, rất ngon miệng, nhưng “nhược điểm” của loại thịt làm khô tự nhiên này là nó hơi cứng, dai, vì vậy với những người răng yếu khi ăn là một cực hình. Và để tạo ra món ăn mềm mại hơn cũng từ nguyên liệu thịt trâu, thịt bò, Phù Yên đã là một trong những nơi “khởi tổ” ra món thịt trâu một nắng ngon trứ danh.

Thịt trâu dùng để làm món này là loại thịt nạc thăn lấy ra từ những con trâu được chăn thả tự nhiên, có thớ thịt săn chắc. Sau khi đã lọc các gân mỡ, lọc bỏ da, thịt được sắt miếng mỏng nhưng to bản. Các miếng thịt càng to bản càng tốt, bởi khi qua các công đoạn chế biến thịt sẽ co lại, vì vậy các miếng thịt nhỏ quá sẽ không có sự bắt mắt cho lắm.

Khi pha từng miếng thịt xong, người ta dùng khăn bông, hoặc vải trắng sạch sẽ thấm qua các miếng thịt cho khô ráo hết nước đi. Thịt sau đó được cho vào ướp gia vị, và công đoạn này là cực kỳ quan trọng khi nó quyết định tới độ ngon của món thịt khi thưởng thức.


Các thứ gia vị dùng để ướp cùng món thịt trâu bao gồm có là: tỏi, ớt, gừng tươi giã nhuyễn; đường kính, vài cánh hoa hồi; muối; mắm ngon; và đặc biệt là mắc khén- một loại tiêu rừng cay nồng, thơm phức của người dân tộc.

Cung cách ướp và nêm nếm gia vị sao cho thật khéo, đủ độ, khi không quá nhạt, không quá mặn là rất cần thiết, vì nếu như nêm không đủ gia vị, nhất là mắm, muối thì món thịt sẽ nhạt, giảm vị ngon ngọt đậm đà, còn nếu quá lỡ tay bỏ quá muối, mắm thì món thịt sẽ mặn, mà như chúng ta đều biết là các món ăn mặn cũng sẽ mất ngon.

Chính vì vậy, theo như những gia chủ có kinh nghiệm làm món này ở Phù Yên, thì việc ướp thịt trâu thường do những người có kinh nghiệm đứng bếp đảm nhận, vì khi đã làm quen rồi thì định lượng gia vị cho vào món sẽ rất chuẩn, mặc dù chỉ là ước lượng, chứ không hề có sự cân, đo, đong, đếm nào.


Thịt ướp trong khoảng 30 phút đã đủ độ thấm gia vị, lúc này người ta mang ra đặt từng miếng lên phên tre phơi nắng. Thịt được phơi từ lúc nắng sớm cho tới lúc mặt trời mọc, và trong khoảng thời gian phơi nắng một ngày đó, thi thoảng phải có sự lật trở để miếng thịt se khô đều hai mặt. Nắng càng to, nhiệt độ ngoài trời càng cao thì những miếng thịt trâu càng se khô, và khi chế biến ăn sẽ càng ngon, ngọt ngào.

Trước khi thưởng thức, thịt trâu được nướng trên than hoa đỏ rực lửa. Khi những miếng thịt thơm lừng vàng rộm, mỡ chảy nghe lèo xèo là chín, và thưởng thức nó khi còn nóng hổi, trong không khí ấm cúng gia đình, bạn hữu bên chum rượu cần thì chẳng gì có thể thú vị hơn.

Vị đậm đà, ngọt lịm và thơm phức của thịt trâu một nắng nướng, cùng chuối xanh thái lát, rau thơm hái trong rừng, khiến cho ta ăn một miếng rồi lại muốn ăn thêm, ăn nữa, thậm chí ăn tới no mà không thấy ngán.

Nếu có dịp đến Sơn La, và ghé Phù Yên, du khách nên thử thưởng thức món thịt trâu một nắng mang đậm hương vị núi rừng này, bởi nó sẽ làm bạn khó lòng quên được vì nó quá ngon, quá ấn tượng...

Mặt hồ trong xanh như ngọc bích, sóng nước lay động; khung cảnh sơn thủy hữu tình; trải nghiệm du lịch cộng đồng, tìm hiểu nét văn hóa truyền thống, thưởng thức ẩm thực của đồng bào dân tộc, cùng hòa mình trong tiếng chiêng, tiếng trống mùa lễ hội... vùng lòng hồ thủy điện Sơn La đang mời gọi du khách bằng vẻ đẹp như thế!

Du lịch khám phá hấp dẫn

Điểm đầu tiên trong hành trình du ngoạn là từ đập công trình thủy điện Sơn La lớn nhất Đông Nam Á với những con số kỷ lục: Công suất lớn nhất 2.400MW; khối lượng công việc thi công nhiều nhất; tiến độ “cán đích” nhanh nhất, trước thời hạn 3 năm; dự án di dân đông nhất, di chuyển 20.260 hộ, hơn 95.700 khẩu của 3 tỉnh Sơn La, Điện Biên và Lai Châu; dung tích hồ chứa 9,26 tỷ m3 nước...

Chiếc tàu thủy rẽ sóng, rời bến Nghiêng (gần đập thủy điện Sơn La), không phải vượt ghềnh thác, các cửa tử, cửa sinh như “Người lái đò sông Đà” năm xưa, bởi từ ngày xây dựng đập thủy điện thì thượng nguồn sông Đà không còn hung dữ nữa mà trở thành vùng nước mênh mông với khung cảnh kỳ vỹ.

Mây “ôm ấp” núi non trập trùng; các đảo, bán đảo giữa hồ nước mênh mông, sông in bóng núi mà ngỡ như “Vịnh Hạ Long” vùng Tây Bắc.

Sau khoảng 2 tiếng rưỡi đồng hồ, đến địa phận huyện Quỳnh Nhai. Xa xa cầu Pá Uôn ẩn hiện trong sương. Với trụ chính cầu cao 98 mét, đã được xếp hạng cao nhất Việt Nam. Từ ngày cầu nối nhịp đôi bờ sông Đà, những chuyến phà qua sông đến trung tâm huyện Quỳnh Nhai lùi vào ký ức. Bên tả ngạn là trung tâm huyện lỵ Quỳnh Nhai, dáng dấp phố núi mới mọc lên; kia đền Linh Sơn Thủy Từ - đền thờ Nàng Han linh thiêng. Hướng bên hữu ngạn, chợt bâng khuâng bến nước Nghe Tỏng, đong đầy nỗi nhớ Mường Chiên xưa. Đôi bờ, bên nhớ, bên thương, thấp thoáng những bản tái định cư, bếp tỏa khói lam chiều, gợi nhớ miền quê xưa.

Nay, trên quê mới từng ngày “thay da, đổi thịt” mà vẫn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống. Đó là lễ gội đầu vào chiều 30 Tết của người Thái trắng Quỳnh Nhai, với mong muốn rửa trôi những điều không may mắn  của năm cũ và cầu cho năm mới nhiểu sức khỏe, nhiều điều hay.

Ở thời khắc ấy, những người già thường nhắc nhở con cháu câu chuyện về Nàng Han, một vị nữ tướng, con gái của một tộc trưởng đóng giả trai tập hợp binh mã, đánh đuổi giặc ngoại xâm, đuổi đến tận bờ cõi Mường So (huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu bây giờ) thì giặc tan.

Dẹp xong giặc cũng là 30 Tết âm lịch. Buổi chiều ngày đó, Nàng Han lệnh cho quân sĩ nghỉ ngơi, tắm gội để ăn mừng chiến thắng và đón năm mới. Từ đó đến nay, người Thái vùng Quỳnh Nhai (Sơn La), Mường Lay (Điện Biên), Mường So (Lai Châu) vẫn còn lưu giữ phong tục này. Và mùng 10 tháng giêng hằng năm lại diễn ra Lễ hội đua thuyền truyền thống, thể hiện bản lĩnh của người dân vùng sông nước, đồng thời, để cầu yên cho xóm làng. Trong Lễ hội gội đầu cuối năm và Lễ hội đua thuyền đầu năm còn hấp dẫn bởi các hoạt động thể thao dân tộc và thi ẩm thực dân tộc. Bà con các bản đua nhau đánh trống, chiêng, mừng đón năm mới.

Sau 7 giờ đồng hồ lênh đênh sóng nước, chuyến hành trình kết thúc nơi bến nước Nậm Tăm, huyện Sìn Hồ (Lai Châu)... Chiều tà, ánh nắng chiếu đổ xuống sông Đà sóng sánh như mật. Phía thượng nguồn, một thủy điện tầm cỡ quốc gia đang dần về đích với công suất 1.200MW.

Đánh thức tiềm năng du lịch

Cuối năm vừa qua, các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã đi thực tế khảo sát lòng hồ thủy điện Sơn La và nhận định, hồ thủy điện Sơn La có tiềm năng to lớn về phát triển du lịch. Ngay trên chuyến tàu, đã diễn ra cuộc họp, bàn thảo các giải pháp khai thác tiềm năng hồ thủy điện. Đồng chí Hoàng Văn Chất, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh: Trong chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, có chương trình về khai thác lòng hồ thủy điện Sơn La. Các ngành, địa phương khu vực lòng hồ thủy điện Sơn La cần rà soát, xây dựng quy hoạch phát triển giao thông vận tải, thủy sản và du lịch...

Để khai thác tiềm năng, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 3674/QĐ-UBND ngày 31-12-2014 phê duyệt Quy hoạch phát triển du lịch vùng lòng hồ thủy điện Sơn La đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, không gian du lịch huyện Mường La gồm: Nhà máy thủy điện Sơn La, di tích hang Co Noong, suối nước nóng Ít Ong, Ngọc Chiến; các bản du lịch cộng đồng; rừng cây sơn tra, khu bảo tồn thiên nhiên Mường La... Huyện Quỳnh Nhai có các điểm du lịch: Di tích Linh Sơn Thủy Từ - đền thờ Nàng Han, mộ cổ, cầu Pá Uôn; hang động Thẩm Liên, Thẩm Đán Bóng; suối nước nóng bản Quyền, bản Bon; du lịch văn hóa cộng đồng... Khu du lịch lòng hồ thủy điện Sơn La có điều kiện thuận lợi kết nối các địa phương lân cận bằng giao thông đường thủy theo sông Đà, đường bộ (quốc lộ 6, quốc lộ 279, quốc lộ 6b...). Mục tiêu là động lực phát triển du lịch của tỉnh và trở thành khu du lịch quốc gia trong tương lai.

Bà Lường Thị Vân Anh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh cho biết: Cơ hội phát triển du lịch vùng lòng hồ thủy điện Sơn La tương lai gần nằm trong tour du lịch lòng hồ sông Đà và là điểm trung chuyển kết nối với lòng hồ thủy điện Hòa Bình và thủy điện Lai Châu. Hướng phát triển du lịch tham quan, sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch nghỉ cuối tuần; điều dưỡng chữa bệnh gắn với tắm suối khoáng nóng; du lịch khám phá, thể thao mạo hiểm: Bơi thuyền, lướt ván, thăm hang động... cần xây dựng các bến cảng, bến tầu dừng nghỉ, du lịch, quảng bá hình ảnh du lịch; xây dựng các điểm du lịch, tổ chức các hoạt động câu cá, thưởng thức món ăn dân tộc chế biến từ sản phẩm thủy sản tại lòng hồ để thu hút du khách.

Du ngoạn trên lòng hồ thủy điện Sơn La giữa cảnh “sông xuân, nước lẫn màu trời thêm xuân”, thấy rõ tiềm năng phát triển giao thông đường thủy, hoạt động du lịch, khai thác, nuôi trồng thủy sản... nếu khai thác tốt, hợp lý, sẽ góp phần thêm “sắc xuân” vùng hồ thượng nguồn sông Đà.

Theo Phạm Đức (Báo Sơn La)