Tab Từ Khóa "Du lịch Cần Thơ"
Showing posts with label Du lịch Cần Thơ. Show all posts

Chùa chiền thờ tự là nơi tôn nghiêm nên điều trước tiên du khách cần lưu ý là trang phục gọn gàng và kín đáo. Ở một số nơi, nhà chùa để sẵn những chiếc áo dài để khách mặc vào làm lễ. Tuy nhiên, nhiều nơi không có sẵn nên khách phải tự chuẩn bị trang phục cho mình. Tốt nhất du khách nên có một chiếc khăn choàng đủ rộng để che kín thân thể khi làm lễ ở chánh điện. Cùng với đó là ý thức giữ trật tự nơi tôn nghiêm.

Những chuyến hành hương thường phải di chuyển và đi bộ nhiều nên ngoài trang phục gọn nhẹ, cần phải chú ý đến giày dép. Không nên mang giày cao gót hoặc giày dép mới vì rất dễ phồng chân khi đi bộ nhiều.

Ở một số nơi, lợi dụng sự đông đúc của du khách, kẻ gian trà trộn để móc túi, giật dọc. Vì vậy, du khách cần bảo quản tư trang kín đáo, tránh đeo nữ trang gây sự chú ý, lòng tham của kẻ gian. Ở Núi Sam, có tình trạng o ép du khách mua đồ cúng Bà. Du khách cần có sự chuẩn bị trước hoặc mua tại các quầy hàng hoặc tại chợ để tránh bị ép mua với giá đắt.

Về lưu trú, du khách không cần phải lo lắng vì những nơi này luôn đáp ứng được nhu cầu về ăn, ở. Nếu cần nghỉ dưỡng ở những khu resort, khách sạn lớn, phải đặt phòng trước. Nếu hành hương đơn thuần, có thể ngủ lại tại các cơ sở thờ tự. Các nhà nghỉ tập thể thường tính khoảng 30.000 - 70.000 đồng/người/đêm tùy theo điều kiện cơ sở vật chất của điểm lưu trú đó.

Nếu tự tổ chức chuyến đi, du khách có thể kết hợp hành hương miền Bảy Núi với tham quan những danh thắng nổi tiếng của phương Nam. Thông thường, người ta thiết kế hành trình núi Sam- núi Cấm- Hà Tiên. Tại các điểm này vừa có những cơ sở tâm linh để chiêm bái, vừa có những điểm tham quan du lịch mang tính giải trí. Lịch trình phổ biến là: Ngày thứ nhất hành hương và vui chơi ở vùng Châu Đốc- Bảy Núi; ngày thứ hai vãn cảnh Hà Tiên kết hợp chiêm bái ở các ngôi chùa trong nội ô.


Theo Nguyễn Thành (Báo Cần Thơ)

Cần Thơ, nơi ghi đậm dấu ấn về một trung tâm giao thương sông nước qua hoạt động của chợ nổi Cái Răng. Đến Cần Thơ, du khách không chỉ tham quan cảnh đẹp của vùng đất Tây Đô mà còn là để khám phá nền văn hóa ẩm thực cũng xuất hiện từ rất lâu đời ở đây. Giống như nhiều vùng miền khác, ẩm thực Cần Thơ phong phú và đa dạng, mang đậm nét đặc trưng của sông nước miền Tây. Mỗi món ăn như vậy đã đóng góp cho danh sách những món ăn đặc sản Cần Thơ ngày một dồi dào, đặc sắc.

Ẩm thực Cần Thơ, theo nhận xét của nhiều du khách, đó là sự kết tinh từ các món ăn đặc sản từ nhiều địa phương trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Mỗi món ăn được làm theo một cách riêng, chế biến riêng nhưng đều có chung một điểm là mang “hơi hướm” của văn hóa ẩm thực miền sông nước. Những món ăn đặc sản Cần Thơ, mỗi món là một sắc thái hương vị khác nhau, nhưng tất cả đều hấp dẫn thực khách.

Bán thức ăn trên sông - chợ nổi Cái Răng, Cần Thơ

Du lịch miền Tây đến Cần Thơ, ngoài khoảng thời gian tham quan chợ nổi Cái Răng, Quý khách cũng có thể tìm thấy những món ăn ngon của Cần Thơ được bày bán ngay trên ghe, thuyền giữa chợ nổi. Nếu có thể, Quý khách đừng quên thử thưởng thức một trong những món ngon đó, do chính tay những người Cần Thơ chế biến, nấu nướng; ăn giữa khung cảnh chợ nổi, thuyền ghe lắt lư, sóng vỗ rì rào, gió thổi mát rượi, vừa ăn vừa quan sát chợ nổi. Chuyến đi du lịch miền Tây thật không còn gì tuyệt vời bằng!

Buổi tối, Quý khách có thời gian thong dong ngắm cảnh Cần Thơ, nhớ ghé chợ đêm Tây Đô, nơi đây cũng được mệnh danh là “thiên đường ăn uống” của thành phố này. Đến đây, Quý khách có thể tận hưởng các hương vị củanhững món ngon, đặc sản Cần Thơ. Sau đây chúng tôi xin giới thiệu sơ qua về một vài món ngon đặc sản ở Cần Thơ để Quý khách biết, khi về Cần Thơ có thể tìm để thưởng thức:

1. Bánh cống Cần Thơ

Bánh cống (bánh cóng) có hình ống thấp, hoặc tròn hơi phồng. Gọi là bánh cống (hay cóng) vì khuôn bánh là một dụng cụ đo lường có hình ống. Bánh cống được làm bằng bột gạo. Gạo lúa mùa được ngâm qua hai đêm rồi mới đem xay, sau đó bồng trong túi vải cho bớt nước, rồi tùy gạo mà người ta sẽ pha nước muối loãng ngâm thêm bột qua một hai đêm nữa cho bột thật đậm đà rồi mới sử dụng. Sau đó, bột gạo đem trộn với đậu xanh hột, tôm thịt băm. Bánh chiên giòn bên ngoài, bên trong mềm xốp; được ăn cùng các loại rau sống và nước mắm chua cay.

Bánh cống (còng) Cần Thơ, một món ăn dân dã mà ngon miệng

2. Cá lóc nướng trui

Đây là món ăn có từ khi đất phương Nam được khai phá. Cá lóc nướng với rơm mang vị ngon đậm đà, là món ăn mà du khách thập phương đến với Cần Thơ đều muốn thưởng thức. Cá lóc nướng phải đợi đến sau mùa nước nổi thì cá mới béo, ngon. Nên chọn những con cá lóc cỡ cườm tay để cá có thể chín đều khi nướng. Lấy một thanh tre, đâm xuyên thanh tre từ đầu cá đến tận đuôi cá - Cắm thanh tre xuống đất để đầu cá hướng xuống, chất rơm rạ xung quanh, đốt lủa nướng cá đến khi tàn rơm thì cá chín. Chuẩn bị sẵn lá sen, lá chuối... làm mâm đặt cá chín lên. Dùng cá với các loại rau sống chấm muối hột đâm nhỏ với ớt hiểm, ớt sừng trâu hoặc pha nước mắm tỏi ớt, công phu hơn thì làm chén mắm nêm... Ăn món này người ta thường thích dùng tay để bốc mới cảm nhận hết vị hương đồng dân dã...

Về miền Tây – Cần Thơ nhất định phải thử món cá lóc nướng trui

3. Lẩu bần

Sự hấp dẫn của lẩu bần không chỉ nằm ở cái tên “trái bần” đồng quê dân dã mà chính là hương vị rất đặc trưng của món ăn. Vị chua của lẩu bần rất thanh và dịu. Nồi lẩu ngon, phải dùng bần chín bởi bần sống sẽ làm cho nồi lẩu có vị chát. Cũng có thể biến tấu các loại thực phẩm chính để nấu lẩu bần. Tùy theo mùa, đó có thể là các loại cá da trơn như cá tra, cá ba sa, cá ngát hoặc cá điêu hồng... sang hơn khách có thể thưởng thức món lẩu bần nấu ba ba, cua đinh. Vào mùa nước nổi, rau ăn kèm với lẩu bần ngoài bông so đũa, bắp chuối hột, cọng bông súng và một số loại rau canh chua thông thường khác như bông điên điển, rau muống…

Lẩu bần Cần Thơ, món quen mà lạ

4. Ốc nướng tiêu

Đây là món ăn độc đáo của Cần Thơ. Ốc được luộc qua trước khi cho lên nướng, nêm mắm, tiêu, và tỏi. Ốc được luộc sơ cho rồi bỏ lên lửa than nướng, vừa nướng vừa bỏ nước mắm đã làm sẵn gia vị như tiêu, tỏi, bột ngọt… khi thấy nước bên trong con ốc sôi lên, hơi cạn xuống thì cho vào đĩa lót rau răm thơm phức. Ốc nướng như vậy rất vừa ăn, hơi cay, vừa ngọt mặn, vừa giòn, ăn thịt rồi mà húp nước ốc cũng rất tuyệt. Hoặc ốc được nướng tươi sống trong lúc nướng cho nước mắm, lại có vị chua cay gia vị vào, nướng cho đến khi hơi khét vỏ thì mùi thơm của nó càng hấp dẫn hơn, khi ăn rất giòn.

Ốc nướng tiêu, một trong những món ngon của vùng Tây Đô

5. Bún tôm khô Cái Răng

Bún tôm khô Cái Răng đã trở thành thương hiệu được nhiều người ưa thích. Tô bún chẳng có gì ngoài mớ tôm khô xào mỡ nấu lấy nước lèo, vài miếng tiết lợn, da lợn cùng một miếng chả được làm từ tôm khô trộn hột vịt đánh nhuyễn chiên vàng. Ăn kèm với tô bún là đĩa rau muống chẻ nhỏ xanh mướt, giòn rụm, một ít giá sống, ngòn ngọt vị đậu xanh và vài cọng húng cây. Đây là một trong những món ăn đặc sản Cần Thơ mà nhiều du khách “phát” ghiền.

Độc đáo món bún tôm khô Cái Răng

6. Bánh xèo

Bánh xèo thì miền nào cũng có, tuy nhiên, bánh xèo Cần Thơ lại mang một hương vị rất riêng. Nguyên liệu để làm bánh xèo là bột gạo pha với nước cốt dừa, nghệ, tôm, thịt... Bánh xèo cuốn bánh tráng ăn kèm với các rau sống (cải bẹ xanh cay, xà lách, rau thơm tía tô, húng quế, húng lủi, dấp cá, chuối chát, khế cắt lát mỏng dài...). Tùy khẩu vị, thực khách có thể chấm bánh xèo với nước mắm hay tương v.v..

Ở Cần Thơ, bánh xèo mang một hương vị riêng rất đặc trưng miền Tây Nam Bộ

7. Cháo cá lóc rau đắng

Ðể nồi cháo riu riu rồi gắp nguyên liệu bỏ vào nồi. Chờ cho vừa chín tới gắp ra chén, gắp rau, cá, chấm với nước mắm, chậm rãi thưởng thức, nhấm nháp cùng với ly rượu đế trắng ngà thơm mùi gạo mới... Có thể cho thêm hột gà để thêm phần hương vị. Thịt cá lóc rất ngon lại bổ, rau đắng đất, rau tai tượng, vừa chín tới nhai giòn ràu rạu cùng với cháo. Thưởng thức món này cho Quý khách cảm giác thích thú, lạ lẫm bởi vừa ngọt, vừa bùi, vừa béo, nóng hôi hổi... hòa quyện vào vị nồng ấm của tiêu, gừng…

Cháo cá lóc rau đắng, một món ăn đặc sản ở Cần Thơ

8. Nem nướng Cái Răng

Nem nướng thì vùng đất nào cũng có, nhưng mỗi nơi lại mang một hương vị, sắc thái riêng gắn với con người và thổ nhưỡng nơi đó. Nem nướng Cái Răng ngon nhất vẫn là làm từ thịt lợn tươi, quết dẻo rồi vo tròn nướng trên than hồng. Từng viên nem tròn trĩnh, xâu bởi thanh tre chuốt nhỏ, mướt rượt mỡ, vàng rượm do được nướng khéo. Tuốt nhẹ một cái, những viên nem đã nằm gọn trong đĩa, bên cạnh rê bánh hỏi trắng tinh, ăn cùng với bánh tráng, rau sống, chấm thật đậm trong chén nước tương xay. Nếu không quen vị tương xay ngọt với đậu phộng thì hoàn toàn có thể yêu cầu nước mắm chanh tỏi ớt. Món nem nướng Cái Răng thường ăn kèm với rau thơm, chuối chát, dưa leo, dứa, khế...

Du lịch Cần Thơ không thể bỏ qua món nem nướng Cái Răng

9. Bánh tét lá cẩm

Muốn bánh ngon phải lựa nếp thật tốt, không lẫn gạo tẻ mới làm cho đòn bánh dẻo, ngâm với lá cẩm để có màu tím tự nhiên. Lá cẩm phải tươi, lá úa sẽ làm cho nước lá cẩm xuống màu. Thịt làm nhân phải là thịt tươi, ướp cho thịt tẩm thấm. Sau đó, cho nếp xào với nước cốt dừa trước khi gói. Bánh nấu từ 4 đến 5 tiếng là chín. Cắt bánh, vành ngoài ánh lên một màu tím mượt mà của nếp, bên trong là thịt, lòng đỏ trứng vịt muối, mỡ và đỗ tỏa mùi thơm. Cắn một miếng bánh tét màu tím, nếp dẻo và cái vị ngọt của thịt, của hương thơm trứng muối như đọng trong đầu lưỡi. Nó khác với những đòn bánh tét đậu trắng, đậu đen nhân mỡ hành, nhân chuối theo kiểu truyền thống của người Việt.

Bánh tét lá cẩm, một đặc sản Cần Thơ thường được dùng để làm quà biếu du lịch

10. Bánh tầm bì

Hương vị bánh tầm bì ở Cần Thơ rất đặc biệt: bánh được hấp trong cái xững trên bếp than, nên luôn nóng hổi. Những sợi bì óng ánh tươm mỡ, thơm ngon. Còn nước mắm thì vàng sóng sánh, trong vắt. Cái vị béo của nước cốt dừa luôn hoà quyện vào những sợi bánh tầm trắng phau đi cùng rau, giá, dưa chua. Nếu thêm chút xíu mỡ hành nữa thì rất tuyệt vời.

Bánh tầm (tằm) bì, một món ngon dân dã của Cần Thơ

11. Chè bưởi Cần Thơ

Chè bưởi có mặt đã lâu, là món tráng miệng vị ngọt nổi tiếng khắp đồng bằng Nam Bộ cùng thời với món nem chay cũng làm bằng vỏ bưởi. Người ta lấy vỏ bưởi gọt bỏ lớp vỏ xanh, nhồi nước muối cho hết vị the sau đó thái nhỏ thành hình sợi, vuông cạnh, vừa tầm như sợi bột khoai, đưa vào nấu với nước đường tinh, chốc sau đã thành nguyên liệu cho món chè mà chỉ Cần Thơ mới có. Trên cùng, chè được phủ bằng một lớp nước cốt dừa sệt thơm mùi vani. Gạt lớp đó sang bên, lẫn trong nước đường pha bột mì tinh đặc và trong suốt là đậu xanh đãi vỏ thật khéo, khéo đến mức đậu nhừ mà vẫn nguyên vẹn hình hài, vàng sáng.

Chè bưởi Cần Thơ, một món ngon mà khách du lịch nên thử