Phong Nha - Kẻ Bàng rộng lớn chứa đựng bao bí ẩn kỳ thú, những gì khám phá ra chỉ mới con số nhỏ
(Tiếp theo) - Hành trình chinh phục động lớn nhất thế giới của tôi thành công và mãn nguyện nhờ sự trợ giúp đắc lực của các porter, họ đã làm được những điều mà với tôi đó là sự phi thường.

Những cửu vạn 'thần thánh'

Thoạt đầu, khi nhìn những thanh niên gùi bao tải trên lưng đi phăm phăm luồn lách trên những cung đường khó trong rừng, tôi liên tưởng ngay đến những đội ngũ bốc vác hàng hóa thuê tại các bến xe hay cửa khẩu, thậm chí cả hình ảnh gùi hàng lậu vùng biên mà tôi từng gặp. Họ có chung hình ảnh và hành động nhưng độ khó của hành trình đến với Sơn Đoòng gian truân hơn nhiều nên trong đầu tôi xuất hiện ngay cái tựa “những cửu vạn thần thánh”.

< Các porter chuẩn bị đồ vào bao gùi để xuất phát.

Porter nghĩa là nhân viên khuân vác, cái danh này nó sát nghĩa hơn so với công việc họ đang làm, với mối quan hệ của họ với Công ty Oxalis và nó vừa ngắn gọn, dễ gọi, lại có phần sang trọng trong một tour du lịch có rất nhiều khách nước ngoài.

Hầu hết họ là những người trẻ, không có công ăn việc làm ổn định, kẻ Nam người Bắc, người đi rừng, người ở nhà. Oxalis đã mang đến hơi thở mới, làm thay đổi cuộc đời của những porter cũng như gia đình họ. Oxalis đến Phong Nha, mở tour và bắt đầu chiêu mộ họ về, tuyển chọn, đào tạo họ thành những porter mang tính chuyên nghiệp cao.

< Bắt đầu gùi hàng từ địa điểm nối với đường Hồ Chí Minh nhánh tây.

Tiền lương được trả theo công sức bỏ ra, vài triệu đồng một tháng, ít hay nhiều tùy hoàn cảnh mỗi người, nhưng điều trên hết đó là họ có thu nhập ổn định chứ không bấp bênh như trước. Từ đó, gia đình họ cũng thuận lợi, xã hội tốt lên, rừng không bị khai thác và đặc biệt làm thay đổi môi trường, cách sống, cách suy nghĩ của cả một vùng quê khó khăn.

Trong đội porter có nhiều trường hợp là cha con, anh em, họ hàng như Khanh - An, Hùng - Hoan... Không chỉ porter Sơn Đoòng mà porter các tour đi hang Én, Tú Làn cũng có sự thay đổi rõ rệt về cuộc sống.

< Gùi bồn đựng nước nặng và cồng kềnh vượt qua các mõm đá.

Phạm Tiến Dũng, porter hang Én cho hay trước anh đi rừng nay đây mai đó kiếm sống, vất vả nhưng không được bao nhiêu, giờ làm porter ổn định hơn nhiều, được 3 - 4,5 triệu đồng/tháng. Nhiều gia đình porter đã tích cóp, vay mượn mở dịch vụ homestay phục vụ khách nước ngoài ngay tại Phong Nha.

Dấu ấn tạo nên tour du lịch đẳng cấp

Ngoài độ mạo hiểm thì chính porter đã góp phần không nhỏ tạo nên thương hiệu tour du lịch vào hàng bậc nhất thế giới. Tour Sơn Đoòng có 74 porter chia làm 3 tổ. Với một tour bình thường 10 khách thì có 24 porter. Tuy nhiên, trong hành trình của chúng tôi có nhiều porter hơn vì phải tu sửa một số đoạn đường, chặt phát cây bụi và mang dụng cụ vào để chuẩn bị cho mùa tour mới.

< Lội qua nhiều con suối.

Trước lúc khởi hành, họ tập trung đóng gói đồ đạc, tư trang, dụng cụ, lương thực thực phẩm tại nhà anh Hồ Khanh. Mỗi gùi nặng từ 20-45 kg. Tôi chú ý có 3 bồn đựng nước inox loại 700 lít, mỗi bồn nặng 25 kg và không hiểu sẽ bằng cách nào họ đưa được những bồn kích thước lớn như thế luồn rừng vào sâu trong Sơn Đoòng.

Vì sao mà tôi nghĩ đến 2 chữ “thần thánh”? Bởi họ quá tài tình khi đeo một trọng lượng nặng đến như thế trên lưng vượt đường rừng đầy gian khó. Bản thân tôi mang túi xách đựng máy móc chỉ nặng vài ký thôi mà đã thấy gian nan, thở dốc ra bằng tai và phải nghỉ nhiều chặng.

< Một điểm dừng nghỉ chân của đội porter.

Tôi đặc biệt ấn tượng với những người gùi bồn nước. 6 người gồm: Tùng, Biên, Bằng, Luân, Trường, Huy chia làm 3 cặp đổi nhau gùi. Họ thắt dây dù quanh bồn và tạo quai đeo vào vai. Mặc dù bồn nước không nặng bằng một số gùi hàng khác nhưng gùi khó hơn vì độ cồng kềnh, mỗi lần leo vách đá xuống dốc, nếu không chính xác sẽ bị lật nhào bồn ra đằng trước rất nguy hiểm. Hay qua những khe đá hẹp, nhỏ hơn bồn nước thì phải khéo léo lách mới lọt.

Rồi họ vượt bao nhiêu thử thách trong lòng Sơn Đoòng. Với những chuyến làm phim, ghi hình như lần đài ABC làm trực tiếp chương trình Good morning America (Chào buổi sáng nước Mỹ) thì họ phải gùi hàng tấn hàng, trong đó có những thiết bị nguyên kiện nặng gần cả trăm ký.


< Thắt lại dây buộc vào bồn nước để gùi cho chắc chắn.


Với tôi, những porter ấy không chỉ là người khuân vác đơn thuần mà còn như sứ giả của văn hóa, họ là cầu nối giữa khách với hang động, làm cho chuyến đi bớt mệt mỏi căng thẳng, ngược lại thú vị hơn. Oxalis đã thành công ở chỗ này. Họ như những con kiến thợ chăm chỉ, tròn trịa trong suốt hành trình.

Đến mỗi điểm cắm trại, các porter bỏ gùi hàng xuống, ai lo việc nấy, người soạn đồ ra cho khách, dựng lều ngủ, người dọn đồ để chế biến thức ăn, nấu nướng. Ai cũng hồ hởi chuyện trò với khách và nói chuyện trêu đùa râm ran, tạo không khí ấm cúng, xua đi mọi lo âu. Thỉnh thoảng, các porter lại hỏi khách muốn uống gì để lấy.

< Mồ hôi đầm đìa trên mặt một porter.

Sau bữa ăn tối, đầu bếp cũng là porter đi hỏi từng khách xem chọn món ăn sáng để phục vụ vào sáng mai. Có thể nói điều kiện gùi vác, ăn ngủ của porter không bằng khách nhưng buổi sáng họ luôn dậy sớm, dậy trước khách để chuẩn bị nấu nướng, chuẩn bị đồ đạc cho khách. Buổi sáng tôi vượt "bức tường VN", họ còn chu đáo dặn tôi ăn cho no lấy sức mà leo. Thực sự họ là những người bạn của hành trình.

< Porter đu xuống Sơn Đoòng qua những vách đá cheo leo với gùi nặng 35 kg.

Với các chuyên gia người Anh, đội porter còn thân mật hơn. Mặc dù không đồng ngôn ngữ, thực ra bên nào cũng bập bẹ được đôi tiếng của bên kia, nhưng khi cần gì, nói gì thì bên còn lại đều hiểu. Vì họ đã gắn bó, gần gũi với nhau trong thời gian dài.

Tôi cảm nhận được sự hài hòa hiếm có giữa những con người cách xa địa lý, văn hóa với nhau. Chuyên gia Ian Waston còn đổi nhau đấm lưng với các porter và cùng cười rổn rảng. Để làm được điều này có lẽ không gì khác ngoài lòng chân thật, tính chân chất cần cù và rất kỷ luật của những porter.

< Porter chuẩn bị đồ ăn trong hang Én.

Đây là điều mà vị chuyên gia hang động Howard Limbert rất hài lòng. Ông tâm sự với tôi: “Cần giáo dục thế hệ trẻ về bảo tồn, xây dựng Phong Nha thành trung tâm du lịch khác với nhiều nơi khác tại VN và cả trên thế giới”.

Và Oxalis của những người trẻ đang dần làm được. Phong Nha - Kẻ Bàng rộng lớn chứa đựng bao bí ẩn kỳ thú, những gì khám phá ra chỉ mới con số nhỏ, vì vậy cần những bàn tay tâm huyết để giữ gìn và tiếp tục hành trình nâng tầm hoang mạc đá vôi này lên.

Còn tiếp


Theo Trương Quang Nam (Thanh Niên)